Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó đến như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh tài sản, chìm đắm cả bố, mẹ, vợ, con, dân ta. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững, để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào. Họ quyết hy sinh tính mệnh họ, để giữ gìn tính mệnh của đồng bào. Họ hy sinh gia đình và tài sản họ, để bảo vệ gia đình và tài sản của đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của ta.”
Trách nhiệm của Đảng, Chính phủ đối với công tác thương binh liệt sĩ được Hồ Chí Minh chỉ dẫn cụ thể, đặc biệt trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa, Người căn dặn: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.”
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa. Trong giai đoạn 2012-2022, ngân sách Nhà nước được bố trí 357.373 tỷ đồng để thực hiện chế độ trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi khác như: Bảo hiểm y tế, điều dưỡng phục hồi sức khỏe, trang cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng; ưu đãi giáo dục, hỗ trợ cải thiện nhà ở; tu sửa mộ, nghĩa trang, tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ…
Cả nước đã vận động được trên 13.000 tỷ đồng hỗ trợ gia đình người có công xây dựng mới trên 84.000 căn nhà và sửa chữa trên 69.000 căn nhà tình nghĩa; tặng gần 126.000 sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng; 2.988 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các tổ chức, cá nhân nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.
Trân trọng, biết ơn quá khứ, mỗi dịp 27/7 hàng năm là khoảng thời gian lắng đọng nhất để mỗi người Việt Nam kính cẩn, nghiêng mình trước anh linh những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh, quên mình vì Tổ quốc. Đây cũng là dịp để thể hiện sự tri ân, tiếp nối đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” trên khắp mọi miền đất nước với nhiều hoạt động thiết thực ý nghĩa quan tâm, chăm sóc thương binh, người có công và gia đình liệt sĩ đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân ái của mỗi người Việt Nam.