Bồi đắp lòng nhân ái

Thứ sáu - 03/11/2017 05:31
Phát triển, nhân rộng hoạt động chữ thập đỏ trong mạng lưới trường học trên địa bàn TP Hà Nội đã góp phần tích cực vào việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, bồi đắp lòng nhân ái, hoàn thiện kỹ năng sống cho thế hệ trẻ.
Nhiều hoạt động ý nghĩa
Hoạt động chữ thập đỏ được “nhân cấy” tại các trường học trên địa bàn Hà Nội từ nhiều năm nay, tạo thành mạng lưới vững chắc từ cấp mầm non đến trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học. Sau khi có sự phối hợp giữa Hội Chữ thập đỏ với ngành Giáo dục và Đào tạo cùng Đoàn Thanh niên, những mô hình mang ý nghĩa “lá lành đùm lá rách” phát triển nhanh chóng. Đến nay, toàn TP Hà Nội có 1.890 trường học duy trì hoạt động chữ thập đỏ thường xuyên, thu hút gần 599.000 người tham gia. 
Mổ lợn tiết kiệm ủng hộ hoạt động chữ thập đỏ của học sinh Trường Tiểu học Thành Công (quận Ba Đình)
Bà Phạm Thị Hương Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình) cho biết: Sau hơn 3 năm thành lập, Trường đã tổ chức hai lễ hội “Gói bánh chưng, gói trọn yêu thương”, “Tết sẻ chia, Tết yêu thương” nhằm giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt vui đón Tết cổ truyền. Ngoài ra, nhà trường đã phát động ủng hộ Quỹ “Ngôi nhà khăn quàng đỏ” để hỗ trợ một số điểm trường vùng cao.

Tương tự, nhiều trường học khác đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”... Việc gây quỹ được các trường triển khai bằng nhiều hình thức như phát động phong trào “Nuôi lợn nhựa”, “Áo ấm mùa đông”, “Quỹ mùa xuân”, “Vé số học tập”… Từ nguồn quỹ ủng hộ, nhiều trường đã giúp đỡ, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn; thăm hỏi, tặng quà thương binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai…

Ông Trương Hán Phu, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội cho biết, riêng năm học 2016-2017, hoạt động cứu trợ nhân đạo trong trường học đạt gần 73 tỷ đồng. Cùng với hoạt động cứu trợ, các hội, chi hội chữ thập đỏ trường học còn tuyên truyền, hướng dẫn học sinh chủ động vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường lớp, phòng chống dịch bệnh theo mùa… Thành viên chữ thập đỏ được trang bị kiến thức, kỹ năng sơ cứu, cấp cứu ban đầu để có thể ứng phó kịp thời khi có tai nạn xảy ra. Một số trường còn hướng dẫn học sinh trồng và sử dụng cây thuốc Nam; tuyên truyền, vận động giáo viên và học sinh hiến máu tình nguyện… “Nhà trường tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, coi đó là cách giáo dục thế hệ trẻ phát triển theo hướng toàn diện, tạo điều kiện cho các em hình thành nhân cách, kỹ năng sống, biết sẻ chia, yêu thương, sống vì cộng đồng”, bà Trần Thị Vinh, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình nhận định.

Mở rộng mạng lưới
Với những kết quả đã được khẳng định, có thể nói, việc mở rộng, phát triển mạng lưới chữ thập đỏ trường học là cần thiết. Tiếc rằng, các trường có chi hội chữ thập đỏ chủ yếu ở bậc mầm non, tiểu học hoặc trung học cơ sở công lập, không có nhiều trường trung học phổ thông, cao đẳng, đại học, giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề… quan tâm đầy đủ đến hoạt động ý nghĩa này. Theo ông Trương Hán Phu, các cơ quan chức năng cần hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo những trường chưa có chi hội chữ thập đỏ tập trung xây dựng, củng cố tổ chức hội và tích cực tham gia hoạt động nhân đạo, từ thiện.

Song song với công tác phát triển mạng lưới, việc nâng cao hiệu quả hoạt động chữ thập đỏ tại các nhà trường cũng cần được quan tâm. Theo bà Phạm Thị Hương Giang, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với Hội Chữ thập đỏ, ngành Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên là giải pháp tối ưu nhằm đưa tinh thần “tương thân tương ái” lan tỏa đến từng học sinh và cộng đồng. Trong quá trình phát động các chương trình nhân đạo, hoạt động gây quỹ, nhà trường nên vận động cả học sinh và phụ huynh tham gia. “Những hoạt động gây quỹ chữ thập đỏ tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương trong thời gian qua đều có sự đồng hành, hỗ trợ của phụ huynh học sinh. Khi phụ huynh thấu hiểu việc làm của con em mình, họ sẽ định hướng cho con em hoạt động sao cho hiệu quả, ý nghĩa nhất”, bà Phạm Thị Hương Giang chia sẻ.

Giúp học sinh hình thành ý thức tự nguyện làm việc thiện, Trường THCS Nguyễn Du (huyện Sóc Sơn) chọn mỗi lớp một học sinh tiêu biểu để thành lập Đội xung kích chữ thập đỏ. Ngoài trách nhiệm tuyên truyền, vận động bạn bè tham gia hoạt động nhân đạo, giữ gìn vệ sinh chung, thành viên đội xung kích còn tìm hiểu hoàn cảnh từng bạn, lập danh sách các bạn gặp khó khăn để kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ. “Mưa dầm thấm lâu”, hoạt động chữ thập đỏ tại ngôi trường mang tên Thi hào Nguyễn Du nhận được sự tham gia tích cực của 100% học sinh. “Nhờ thực hiện tốt công tác chữ thập đỏ trong trường học, đạo đức học sinh có chuyển biến rõ rệt. Năm học 2016-2017, Trường THCS Nguyễn Du có 99,59% học sinh được xếp loại hạnh kiểm khá, tốt”, ông Phan Lâm Hỷ, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho biết.

Những dẫn chứng kể trên cho thấy, việc mở rộng, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới chữ thập đỏ trong trường học là thực sự cần thiết.

Nguồn tin: Minh Ngọc - hanoimoi.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây