Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội

https://www.hoichuthapdohanoi.vn:443


Mỗi lá phiếu gửi gắm niềm tin và hy vọng

Ngày 6-01-1946, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, nhân dân Việt Nam đã đi bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử thật sự dân chủ đầu tiên.
Mỗi lá phiếu gửi gắm niềm tin và hy vọng
Ngay khi chuẩn bị tổ chức cuộc Tổng tuyển cử năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể Quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử…”. Người cũng nói: “Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ, Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”.

Ngày ấy, đại đa số cử tri lần đầu tiên mới được thực hiện quyền bầu cử của mình, đại đa số là những nông dân chưa đọc thông viết thạo, tuyệt đại đa số phụ nữ lần đầu được cầm trên tay lá phiếu … tất cả đều xúc động, tự hào đến rơi nước mắt vì đi bầu cử đối với họ chính là khẳng định quyền công dân của một đất nước tự do, quyền được bình đẳng trong xã hội.

Cuộc Tổng tuyển cử, tuy là lần đầu tiên ở nước ta, nhưng đã thể hiện một cách đầy đủ nội dung, yêu cầu của nguyên tắc bầu cử mới: Tự do bầu cử, ứng cử của công dân (được hiểu như là bầu cử phổ thông), bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín mà không phải bất kỳ một nước dân chủ nào ngay từ đầu đều có thể làm được; với quy trình bầu cử dân chủ, tiến bộ nhất.

Trải qua nhiều kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, các công dân cử tri đã ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình nên đã tích cực tham gia vào cuộc bầu cử từ giai đoạn giới thiệu người ứng cử, tham gia các Hội nghị cử tri để đóng góp ý kiến, nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với người ứng cử đến giai đoạn bỏ phiếu bầu để ngày bầu cử đã thực sự trở thành ngày hội, một sinh hoạt chính trị của cả nước.

Theo tiến trình phát triển của xã hội, dân chủ ngày càng được mở rộng. Điều này được minh chứng khi trên diễn đàn của Quốc hội, HĐND ngày càng xuất hiện nhiều hơn những tiếng nói đại diện cho quyền lực nhân dân trong hoạt động kiểm tra giám sát của các đại biểu Quốc hội, HĐND, trong các phát biểu, kiến nghị, góp ý và thông qua các văn bản quy phạm pháp luật. 

Ngày 23/5/2021 tới đây, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được tổ chức một ngày trên phạm vi cả nước. Đây có thể nói là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, là nơi để cử tri phát huy quyền làm chủ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cùng với cả nước, mỗi công dân Thủ đô tham gia bầu cử lần này không chỉ là thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình mà còn là thể hiện niềm tin vào Đảng, Nhà nước, đặt kỳ vọng vào tương lai tươi đẹp hơn của đất nước mình, địa phương mình. Mỗi lá phiếu của cử tri vì vậy mang trong mình sứ mệnh cao cả là một viên gạch hồng góp phần dựng xây Tổ quốc.

Tác giả bài viết: Vân Trang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây